Xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia
(PNTĐ) - Ngày 22/11, Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trong đó có quy định về tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia…
Trình bày Tờ trình về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhấn mạnh sự cần thiết ban hành nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế; sửa đổi, bổ sung để điều tiết tiêu dùng phù hợp với xu hướng tiêu dùng trong xã hội và định hướng của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe của nhân dân, bảo vệ môi trường.
Đồng thời, đáp ứng những yêu cầu từ thực tiễn phát sinh, tạo môi trường pháp luật thống nhất và đồng bộ áp dụng trong nền kinh tế, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành; phù hợp với xu hướng cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt của các nước.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Dự thảo Luật bổ sung vào đối tượng chịu thuế đối với nước giải khát có hàm lượng trên 5g/100ml, áp dụng thuế hỗn hợp đối với thuốc lá, tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia..., bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện luật nhằm góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước, đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước.
Cụ thể, đối với mặt hàng rượu, bia, Dự thảo Luật quy định thuế suất theo tỷ lệ phần trăm tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030 để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của Tổ chức Y tế thế giới. Dự thảo Luật đưa ra 2 phương án, trong đó Chính phủ nghiêng về phương án thứ 2. Với mặt hàng rượu từ 20 độ trở lên, Chính phủ nghiêng về phương án tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030. Đối với mặt hàng rượu dưới 20 độ, Chính phủ nghiêng về phương án tăng thuế suất từ mức hiện hành 35% lên 50%, 55%, 60%, 65%, 70% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.
Với mặt hàng bia, Chính phủ nghiêng về phương án tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030. Theo Chính phủ, phương án 2 sẽ có tác dụng giảm khả năng chi trả đối với các sản phẩm rượu, bia mạnh hơn, tác động tốt hơn trong việc giảm tỷ lệ sử dụng rượu, bia và giảm các tác hại liên quan do việc lạm dụng rượu, bia gây ra.
Về việc bổ sung mức thuế tuyệt đối đối với mặt hàng thuốc lá, theo Uỷ ban Tài chính Ngân sách, lộ trình tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá theo phương án 2 để góp phần tăng tính hiệu quả của chính sách trong định hướng tiêu dùng và phù hợp với xu hướng cải cách thuế của các nước.
Về việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia theo lộ trình, đa số ý kiến của Uỷ ban Tái chính ngân sách đồng tình với việc tăng thuế như phương án 2. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc tính toán, đề xuất mức tăng hợp lý để có thể đạt được các mục tiêu đặt ra. Có ý kiến cho rằng, việc quy định thuế suất đối với bia bằng thuế suất đối với rượu trên 20 độ là chưa thực sự phù hợp vì tác hại của rượu hay bia phụ thuộc chính vào nồng độ cồn.
Về việc sửa đổi, bổ sung mô tả và mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường và sửa đổi thuế suất đối với mặt hàng xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép, đa số ý kiến nhất trí với đề xuất quy định thuế suất thấp hơn đối với các loại xe sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường để giảm phát thải khí nhà kính, phù hợp với xu thế của quốc tế.
Về thuế suất đối với mặt hàng xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép, đa số ý kiến cho rằng, việc nâng thuế suất như đề nghị của Chính phủ là phù hợp để điều tiết hạn chế sử dụng phương tiện giao thông, góp phần bảo đảm việc sử dụng xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng theo đúng mục tiêu thiết kế xe, tránh lợi dụng chính sách và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Một số ý kiến cho rằng, xe pick-up chở hàng cabin kép bản chất là xe ô tô tải, với công năng chính là vận tải hàng hóa, phục vụ kinh doanh nhỏ và vừa, thuận tiện và đơn giản trong vận chuyển hàng hóa. Do đó, đề nghị giữ nguyên mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo Luật hiện hành…
Về quy định đối với mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), có hàm lượng đường trên 5g/100ml, đa số ý kiến của Uỷ ban Tài chính ngân sách nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc áp dụng mức thuế suất 10% đối với mặt hàng này.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, mục tiêu chính của việc đề xuất bổ sung đồ uống có đường vào diện chịu thuế là để điều tiết, định hướng hành vi sản xuất, tiêu dùng đối với sản phẩm này, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân. Song, mức thuế suất 10% là khá thấp, có thể không đủ để tác động, thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, dẫn đến không đạt được mục tiêu đặt ra trong ban hành chính sách. Do đó, cần cân nhắc để đề xuất mức thuế cao hơn để đạt được mục tiêu điều tiết tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người dân.