Giấc mộng nhân sinh của Nguyễn Du thông qua sách nghệ thuật “Ký Mộng”

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nằm trong chuỗi sự kiện hướng đến kỉ niệm 65 năm thành lập NXB Kim Đồng, buổi ra mắt artbook “Ký Mộng” và giao lưu cùng họa sĩ Niayu và nhà thơ Lê Minh Quốc với chủ đề “Cùng Nguyễn Du qua giấc mộng dài” đã được tổ chức tại Đường Sách TP. HCM vào sáng 12/6.

Artbook (loại hình sách nghệ thuật) là cách gọi những cuốn sách tập hợp chủ yếu là tranh ảnh, đồ họa thể hiện về một chủ đề nhất định mà thường là các nhân vật, bối cảnh, quá trình phác họa và hoàn thiện các tác phẩm truyện tranh

Artbook “Ký Mộng” của Nguyễn Du, tranh của họa sĩ Niayu là tác phẩm mới với những câu chuyện và cách kể hấp dẫn, thú vị về cuộc đời của đại thi hào Nguyễn Du.

Theo đó, ba trăm năm sau ngày Nguyễn Du mất, hậu thế tôn vinh ông là đại thi hào dân tộc. Thế nhưng sinh thời, ông lại là người vô danh lạc loài trước thời đại của mình. Một người con chẳng có gia đình. Một kẻ sĩ không có cố hương. Một thân văn nhân ốm yếu, giận mình không thể cầm kiếm đoạt giang sơn. Loạn thế nam nhi tu đối kiếm/ Trai thời loạn nhìn thanh gươm mà thẹn. Giấc mộng phù Lê sớm tan thành mây khói. Trở lại quan trường nhà Nguyễn sau “mười năm gió bụi”, ông trải qua chuỗi ngày đầy dằn vặt và tự vấn trước khi mất bệnh ở tuổi năm mươi tư.

Giấc mộng là một chủ đề lớn trong thơ. Với Nguyễn Du, mộng và thực tuy hai mà một. Đi qua thực và mộng, nhà thơ đã ghi lại những chân dung con người và tinh thần thời đại, đồng thời gửi gắm thông điệp xuyên thời đại về kiếp nhân sinh, thể hiện tình yêu thương cao đẹp dành cho con người, vẫn còn nguyên giá trị nhân văn cho đến hôm nay.

Cái hùng tâm tráng chí, khát khao vẫy vùng của Nguyễn Du sớm bị cơn lốc lịch sử vùi dập. Bi kịch mồ côi, không gốc rễ, tình thân lại thêm vào phần tủi phận cho tâm hồn thi sĩ vốn dĩ mong manh. Nhưng chính nhờ thế, ở Nguyễn Du có sự đồng cảm sâu sắc với các thân phận đáng thương trong xã hội cũng như nhận thức về sự phai tàn sâu sắc vượt thời đại.

Cái “tôi” trong những bài thơ trữ tình chính là cái “tôi” của nhà thơ. Song, nó không đơn thuần chỉ là tác giả, mà trở thành hình tượng văn học. Những cảm xúc được biểu đạt trong thơ rõ ràng là chuỗi cảm xúc nội tâm của bản thân Nguyễn Du, song nhà thơ đã lựa chọn những cảm xúc mang ý nghĩa khái quát, vừa phản ánh tâm hồn và những nỗi đau riêng ông, vừa phản ánh những vấn đề và nỗi khắc khoải của thời đại, thậm chí xuyên thời đại.

Có thể nói, với riêng Nguyễn Du, nhân vật “tôi” dù hữu hình hay được giấu đi trong thơ, thì đó không đơn thuần là chân dung của nhà thơ, mà đã vượt khỏi chính ông, để trở thành tiếng nói của thời đại, hay cao hơn nữa, tiếng nói của một người - thơ luôn quan sát và yêu thương con người đến tận cùng.

Giấc mộng nhân sinh của Nguyễn Du thông qua sách nghệ thuật “Ký Mộng” - ảnh 1
Artbook Ký Mộng

Từ nỗi đau cá nhân, Nguyễn Du nhìn rộng ra được nỗi đau của con người giữa thời đại, của thập loại chúng sinh. Vạn vật sinh diệt trong một chuỗi ngày hư thực, kiếp phù sinh như hình bào ảnh. Con người vùng vẫy mong cầu sống có ý nghĩa, có khi chưa kịp tỉnh mộng đã chết đi rồi. Muôn nghìn cách chết nhưng cũng qui về một chữ khổ. Cầu siêu cho người hay cầu siêu cho mộng, chỉ Nguyễn Du mới biết. Hay có lẽ là cả hai, vì mộng và thực có khác gì nhau. Cầu cho người cũng là cầu cho mình vậy.

Cuộc đời thi nhân phải chăng là đi xuyên qua một giấc mộng dài. Mang thiên chức thi nhân phải chăng là ghi lại từng cảnh từng chương của giấc mộng đó?

Những thi phẩm lớn hiếm khi kết thúc ở dấu chấm cuối cùng. Ngay cả khi tập thơ đã khép lại thì nhà thơ vẫn tiếp tục mở ra các khoảng không để chúng ta mường tượng hành trình sáng tạo của thi nhân và giấc mơ sáng tạo cho chính người thưởng thức. Với Truyện Kiều và các thi phẩm khác của Nguyễn Du, khả năng khơi mở dường như là vô tận cho các loại hình nghệ thuật như văn chương, âm nhạc, điện ảnh, đặc biệt là hội họa.

Mỗi truyện thơ, mỗi bài thơ hay đều có điểm cô đọng hay điểm ngời sáng, là nơi tập trung ý tưởng, hội tụ cảm xúc của toàn bài. Vượt lên các thao tác minh họa để có thể đạt tới tính độc lập cho tác phẩm, họa sĩ sẽ phải cảm thụ, nắm bắt và dày công đi sâu vào điểm sáng này, chuyển đổi dữ kiện, hình ảnh từ chất liệu ngôn ngữ (từ ngữ) sang chất liệu màu sắc và đường nét. Từng nét màu từng nét cọ vừa truyền tải tinh tế chất thơ lẫn hồn thơ, vừa thể hiện góc nhìn và sáng tạo của riêng họa sĩ. Sự cộng hưởng này trao cho người đọc có thêm trải nghiệm khác trong mạch xúc cảm: Điểm bật sáng của hội họa.

Đây chính là cách họa sĩ thế hệ 9X Niayu đã dùng, cô sống trọn vẹn trong từng áng thơ Nguyễn Du (từ Ký mộng, Độc Tiểu Thanh Ký, Dương Phi Cố Lý đến Văn tế thập loại chúng sinh, Long Thành cầm giả ca, Truyện Kiều) để tái tạo những hình ảnh độc đáo trên nền tảng ngôn ngữ tuyệt kỹ của thi hào. Và theo đó, với tập thơ tranh Ký Mộng, độc giả có cơ hội một lần nữa thưởng thức những vần thơ trác tuyệt lồng trong các bức họa tinh tế, được tạo nên từ những nhãn quan vẹn nguyên phong vị cổ kính mà vẫn tràn đầy tinh thần hiện đại của nữ họa sĩ trẻ thế kỉ 21, như một hồi đáp đẹp đẽ và đầy biết ơn cho câu hỏi của thi hào từ hai thế kỉ trước: “Ba trăm năm nữa, trong thiên hạ/ Ai người ngồi khóc Tố Như lang?”  

Họa sĩ Niayu tên thật là Trần Mỹ Ngọc, sinh năm 1997 tại An Giang. Chị tốt nghiệp khoa Thiết kế Đồ họa, trường Đại học Kiến trúc TP.HCM.

Họa sĩ Niayu chia sẻ: “Tôi là họa sĩ thuộc gen Z. Tôi không tự nhận mình hiểu trọn con người Tố Như hay hiểu thơ ông một cách sâu sắc. Mà thực ra, ngay cả những người thế hệ tôi và trước tôi, nào ai dám tự nhận mình hiểu một tác giả lớn như Tố Như một cách cặn kẽ, tường tận. Thế nhưng trong dòng chảy bền bỉ của tiếng Việt cũng như tự tình dân tộc là điều được ươm mầm và lớn lên một cách tự nhiên, thơ Tố Như vượt qua những rào cản của thời gian để chinh phục mọi thế hệ. Đọc thơ của ông tôi luôn rung động từ trong sâu thẳm, bất kể khi tôi chú tâm nghiền ngẫm hay chỉ tình cờ đọc được câu thơ đơn lẻ ở một nơi nào. Và như thế là tôi vẽ. Không hẳn vẽ các nhân vật của Tố Như, mà là vẽ tâm hồn Tố Như. Vẽ Tố Như trong tôi, qua những bài thơ, đoạn thơ mà tôi đọc, tìm và cảm nhận được. Đấy là Tố Như của tôi. Là những rung động và tình cảm của riêng tôi dành cho người – thơ ấy.”

Tin cùng chuyên mục

Trung uý Mai Chi ra MV tưởng nhớ những hy sinh thầm lặng để làm nên “Đất nước muôn đời”

Trung uý Mai Chi ra MV tưởng nhớ những hy sinh thầm lặng để làm nên “Đất nước muôn đời”

(PNTĐ) -Đúng dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ca sĩ- Trung uý Mai Chi thuộc Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng ra mắt MV “Mẹ yêu con” như một nén tâm hương tưởng nhớ đến những người chiến sĩ đã hy sinh thầm lặng vì độc lập, hoà bình hôm nay.
Nối dài văn hoá truyền thống qua tiếng chiêng Mường

Nối dài văn hoá truyền thống qua tiếng chiêng Mường

(PNTĐ) - Không chỉ dịp lễ tết, mỗi độ xuân sang, mà mỗi dịp cuối tuần, du khách đến với 3 xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình của huyện Thạch Thất đều có thể được thưởng thức những bản tấu chiêng vang vọng giữa núi rừng hoà vào màu xanh của nương lúa. Chiêng ngân mang theo nét văn hoá độc đáo của người Mường, làm thổn thức bao tâm hồn du khách.
Tri ân anh hùng liệt sĩ qua triển lãm “Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử”

Tri ân anh hùng liệt sĩ qua triển lãm “Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử”

(PNTĐ) - Từ cuối tháng 4 đến hết tháng 5/2024 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, số 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội diễn ra triển lãm đặc biệt "Điện Biên Phủ- Điểm hẹn lịch sử" nhằm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024). Triển lãm thu hút đông đảo khách tham quan đến tìm hiểu những năm tháng hào hùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.