Nỗi niềm con gái “hớ hênh”

Chia sẻ

“Có con gái trong nhà như có bom nổ chậm”, dân gian đã đúc kết như vậy. Nên khi Hoài, cô con gái út theo chân anh trai bước vào trường đại học, bà Thân rất đỗi mừng vui. Hoài không chỉ đem lại niềm tự hào cho gia đình bà, mà quan trọng là con gái đã bước lên một bậc thềm danh giá, được học cao sẽ có công việc tốt, có cơ hội thăng tiến và dễ dàng...

Gia đình bà Thân tuy sống ở vùng ngoại thành, chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nhưng phố thị trung tâm huyện lị ở đây khá sôi động với các hộ buôn bán kinh doanh. Đất đai cũng sốt ầm ầm theo nội đô. Nhiều nhà bán được đất giá cao, xây nhà lầu, tậu ô tô, xe máy loại đắt tiền, từ đó cũng đẻ ra lắm chuyện hư đốn, cánh thanh niên ăn chơi, nghiện ngập, lô đề, cờ bạc, ôi thôi đủ các loại tệ nạn. Bởi vậy nhà bà Thân có 2 con thì con trai tốt nghiệp đại học (ĐH) rồi làm trong thành phố, nay con gái cũng theo chân anh nó vào ĐH, cả nhà bà mừng vui phấn khởi là phải thôi. Cũng may thằng anh thuê nhà cùng ở với em gái, nên có anh quản thì tốt quá, bà Thân thật sự yên tâm. Được cái Hoài rất ngoan, xinh xắn, cũng ối chàng theo đuổi, nhưng con gái chỉ lo học hành, vài tháng về nhà với bố mẹ 2 ngày nghỉ cuối tuần, cũng làm bố mẹ nở mặt nở mày.

Năm rồi Hoài tốt nghiệp ĐH, rồi trúng tuyển vào một công ty kinh doanh hóa mỹ phẩm, đóng ngay quận trung tâm, lương cao gấp đôi các bạn cùng học ra trường mà xin làm hợp đồng các cơ quan. Thế là ổn. Bà Thân thở phào. Bà Thân chả mừng sao được, vì hôm trước ngay trong làng quê vốn yên bình bao đời của bà, có một em gái đang học lớp 11 đã bị lão dê xồm hàng xóm tìm cách “cưỡng bức”. Con bé chống lại và gào thét kêu cứu. May là bà mẹ kịp đến cứu con. Lão dê xồm bị bắt tạm giam. Chuyện như thế nhẽ ra làng nước phải lên án lão dê xồm, đang có vợ có con, lại là hàng xóm biết rõ nhau mà dám làm điều thất đức và vi phạm pháp luật. Đồng thời cũng là bài học cảnh tỉnh các bậc cha mẹ trong bảo vệ con gái, dạy bảo con gái cách tự bảo vệ bản thân nữa.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ai ngờ thế mà vẫn có ý kiến chê bai cô gái là “Hớ hênh cho lắm vào, mới nứt mắt mà son với phấn, áo hở cổ, khoe thân cho lắm vào, bọn đàn ông nhìn thấy “nóng mắt” mới thế”. Bà Thân nghe thấy liền “phang” lại: “Các bà hay nhỉ? Con gái người ta còn non dại thế, cái lão dê xồm làm bậy thế mà giờ các bà lại còn bênh kẻ xấu kẻ ác, chê người ngay à?”. Bà Liên hàng xóm chẹp miệng: “Kể ra con gái nó cứ chăm ngoan học giỏi, chả biết son phấn là gì như con nhà bà Thân, đỗ đại học là ổn. Chứ cứ gái làng, nhớn lên tồ tệch, chả chịu học hành, lại còn hớ hênh thì dễ bị kẻ xấu nó tấn công. Khổ nhục ra ấy chứ!”. Bà Thân tuy không nói ra nhưng “mở cờ trong bụng”, đúng là có con gái học hành đỗ đạt cũng mát mặt bố mẹ thật.

Thế mà hôm nay, bà Thân tê tái cõi lòng. Bà suýt bật khóc trước mặt bà Tâm, bạn học ngày xưa vừa từ trong phố ghé về làng chơi. Bà Tâm ghé nhà bà Thân, sau mấy câu thăm hỏi nhau, mừng cho bạn có 2 con học ra trường đều có việc làm ở trong phố, bà Tâm đưa “cái phây” ra cho bà Thân xem. Bà Thân sốc luôn! Trên “phây” của một đồng nghiệp là nhà báo với bà Tâm, có chụp ảnh đăng cảnh một cô gái trẻ thay mặt công ty mỹ phẩm đến tặng hoa chúc mừng bà nhà báo kia nhân ngày Nhà báo 21/6. Bà Tâm hỏi: “Đây có phải con bé Hoài nhà mình không?”. Bà Thân nhận ra ngay cô gái trẻ đi tặng hoa đó chính là con gái cưng ngoan ngoãn của bà. Thế nên bà sốc. Sốc bởi Hoài trong ảnh không chỉ son phấn lòe loẹt (ừ thì do nó kinh doanh mỹ phẩm, có khi công ty bắt phải dùng!), nhưng cái váy thời trang kiểu gì mà nó ngắn đến tận bẹn, và khủng khiếp thay, nó hở cổ đến mức gần như cả bầu ngực con gái phơi phới thanh xuân hớ hênh hết ra ngoài. Cái loại váy áo “khoe hết da thịt” ra thế này bà Thân chỉ mới thấy trên tivi khi xem phim nước ngoài! Chao ôi, đây là cô con gái có học của mình ư? Bao nhiêu năm cha mẹ chắt chiu nuôi con ăn học, để nay con ở lại thành phố như thế này hay sao? Hoài ơi, sao con lại hớ hênh đến thế này? Con ăn diện lịch sự, kín đáo vẫn đẹp mà. Nếu ở ngoài đó mà con ra phố hớ hênh thế này thì bọn “dê xồm” nó làm hại con mất! Bà Thân gật gật đầu với bà Tâm, vẻ mặt hoảng hốt:

- Có lẽ đúng thật là cái con Hoài nhà mình đấy. Nhưng... nhưng sao nó lại ăn mặc thế này? Nó khoe lương gấp đôi bạn bè cùng học, tôi cả mừng. Bây giờ tôi hiểu vì sao lương cao rồi. Thôi thôi, tôi gọi con về quê, hoặc đi kiếm công việc khác cho đàng hoàng. Chứ thế này thì có khi mất luôn cả tương lai con gái, chứ nói gì đến sự nghiệp!

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bà Tâm gật gù:

- Tôi thấy cô bé này giống cái Hoài, nên tôi hỏi bà. Bà không nên lo quá. Bọn trẻ bây giờ thời trang không kín cổng cao tường như thời chúng mình đâu. Tuy nhiên cũng không nên “hớ hênh” quá như thế thật. Vì trong ảnh này có nhiều người, có người chụp ảnh cho nữa, như vậy là không kín đáo trước đám đông. Con gái mới 21-22 tuổi còn trẻ dại, chả biết ai bày cho mặc cái váy như vậy. Phố phường cũng lắm kẻ gian dâm, rồi bọn nghiện ngập nữa, chúng đi ngoài đường thấy con gái ăn mặc hớ hênh như thế chúng đâu biết con nhà lành. Chúng mà tấn công thì con mình khổ...

Nghe bạn nói, bà Thân càng lo lắng, bà muốn điện thoại gọi ngay con gái về, mắng cho một trận và bắt bỏ việc luôn, không cần phải làm ở công ty mỹ phẩm đó, có khi công ty đó chỉ làm hư con gái bà. Bà Tâm thấy thế liền ngăn bạn:

- Bà cứ từ từ! Vội vàng với bọn trẻ bây giờ là không được đâu. Bọn trẻ dễ có phản ứng khi bố mẹ không đồng tình với chúng, có khi chúng nó “bật lại” quá đà khiến các bậc cha mẹ chúng ta đau lòng thêm.

Bà Thân càng lo hơn:

- Bà có biết con bé trong làng mình mới học lớp 11 đã bị lão dê xồm hàng xóm tấn công chưa? Đến là khổ! Con bé nó phổng phao, mà cũng tại... cái áo phông trễ cổ, khiến cái tay hàng xóm nó nổi máu dê đó... Tôi không gọi con Hoài về thì tôi cũng sốt ruột lắm...

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bà Tâm nhẹ nhàng:

- Được, bà cứ để tôi lo cho con Hoài. Tôi sẽ gọi con bé Chủ nhật đến nhà ăn cơm. Tôi sẽ lựa lời khuyên bảo nó. Tôi cũng sẽ tìm hiểu xem có phải cái công ty mỹ phẩm kia bắt bọn trẻ phải ăn mặc thế không, hay là nó đua đòi theo thời trang? Nếu tại công ty thì tôi đồng ý bắt nó nghỉ, đi kiếm việc khác. Nếu tại nó thì tôi sẽ khuyên nhủ cho nó hiểu ra thì nó sẽ thay đổi. Bà đừng lo quá.

- Mấy hôm rồi, tôi xem báo thấy bảo bây giờ ăn mặc hớ hênh mà vào đền chùa là bị phạt tiền khá nặng đấy. Tôi thấy báo còn đăng cả ảnh minh họa có những cô gái mặc áo như màn tuyn, hớ hênh để cả ra ngoài. Có những cô thì váy ngắn tủn, áo thì trễ cổ hết cỡ, tôi thấy ngao ngán quá. Thế mà nay thật không ngờ đến con gái mình, là con nhà lành, mà con nhà nghèo chứ giàu có gì đâu, cũng chạy theo cái đám thời trang “gái hư” thế chứ! – bà Thân thở dài.

- Ấy chết, cũng chưa hẳn ăn mặc thế là “gái hư” cả đâu. Nhưng đúng là người Hà Nội thực sự họ ăn mặc rất diện nhưng rất thanh lịch, sang trọng, kín đáo. Tuy nhiên thanh nữ thời hiện đại họ phóng khoáng, tây học hơn. Nhưng gì thì gì vẫn phải chú trọng độ an toàn cho bản thân, nhất là con gái mới lớn càng cần được bảo vệ. Thực ra các con trẻ người non dạ, chúng chưa hiểu rằng “thời trang khoe thân” chưa bao giờ là thời trang đẳng cấp cả. Thôi bà cứ yên tâm, tôi mà không khuyên được con Hoài thì tôi sẽ báo cho bà sau. Nhưng tôi tin là nó có học hành, có trình độ, nó sẽ hiểu lời khuyên của tôi...

Bà Tâm đi rồi, bà Thân ngồi nghệt ra, bà quá lo lắng chuyện “cái váy khoe thân” của con gái mà quên không gửi mấy chục trứng gà ra phố cho con và làm quà cho bà Tâm. Gà nhà bà nuôi, có trứng thì bà cứ để dành để dụm gửi ra phố cho các con. Chả hiểu các con có hiểu lòng cha mẹ?

TRẦN THÁI HÒA

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.