Quảng Ninh:

Nâng cao đời sống văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Bắc Lưu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Xác định việc bảo tồn, nâng cao đời sống văn hoá gắn liền với phát triển kinh tế là mục tiêu cốt lõi, nhiều tổ chức phụ nữ tại Quảng Ninh đã từng bước hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thay đổi nếp nghĩ, cách làm để đạt được kết quả tích cực.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Quảng Ninh cho biết: Những năm gần đây, tỉnh có nhiều quyết sách nhằm phát triển văn hóa các vùng miền. Trong đó, chủ trọng nâng cao đời sống, bảo tồn văn hoá cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình là các đề án: Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2026; Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2030; Khôi phục và phát triển văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Ninh có những việc làm thiết thực, sáng tạo, khơi dậy và phát huy nguồn lực trong dân. Tiêu biểu như Hội Liên hiệp Phụ nữ LHPN huyện Bình Liêu tích cực tuyên truyền, vận động hội viên và con em trong gia đình bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục dân tộc; tham gia nhiều hoạt động khôi phục các lễ hội đặc sắc như: Lễ hội đình Lục Nà của dân tộc Tày, hội Soóng cọ của dân tộc Sán Chay, hội kiêng gió của dân tộc Dao...

Nâng cao đời sống văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số  - ảnh 1
Bà con người Tày thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu) hát then bên suối. Ảnh: Phạm Học

Với 96% là đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Bình Liêu là mảnh đất giàu giá trị văn hóa truyền thống. Những người phụ nữ ở đây đóng vai trò quan trọng trong việc kế thừa, tiếp nối và duy trì những giá trị văn hóa truyền thống do cha ông để lại. Các chị em tích cực tham gia các CLB, duy trì các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc như CLB thêu thổ cẩm, CLB văn nghệ; phát triển, gìn giữ các làn điệu dân tộc như hát then, đàn tính của dân tộc Tày, hát soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ.

CLB Thêu thổ cẩm thôn Khe Bốc (thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu) là một trong những CLB ra đời sớm nhất. Mỗi khi rảnh rỗi, các thành viên tập hợp nhau tại Nhà văn hóa thôn để giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm thêu các trang phục truyền thống. Các sản phẩm khi hoàn thiện được CLB nhận xét, rút kinh nghiệm cho lần thêu sau tốt hơn. Càng làm các chị em ham tìm hiểu, học hỏi để các sản phẩm ngày càng đẹp hơn, đặc biệt hỗ trợ nhau nâng cao tay nghề, lần thêu sau tốt hơn lần thêu trước.

Chị Dường Tài Múi, thành viên CLB Thêu thổ cẩm thôn Khe Bốc, chia sẻ: “Phụ nữ ai cũng biết thêu thùa, may vá, nhưng để thêu sao cho đẹp, cho khéo thì cần phải học nhiều, giúp đỡ lẫn nhau. Những người lành nghề truyền dạy lại cho những người thêu chưa đẹp, chưa khéo. Tham gia CLB chúng tôi học được rất nhiều cách thêu đẹp, nên chị em đều phấn khởi, tích cực tham gia sinh hoạt CLB”.

Bà Lài Thị Hiền, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Liêu cho hay: “Việc duy trì, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế - du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong gia đình, cộng đồng ở các lĩnh vực nghề truyền thống, ẩm thực dân gian, văn hóa, văn nghệ... thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia. Đó là tín hiệu tích cực thể hiện vai trò của phụ nữ trong việc giữ gìn giá trị văn hóa tốt đẹp của địa phương”.

Ở xã Quảng An, huyện Đầm Hà, việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán được hưởng ứng mạnh mẽ bởi phong trào luyện tập các làn điệu dân ca Sán Cố được quan tâm. Các chị em tranh thủ thời gian nông nhàn, đã tập hợp nhau lại, cùng luyện tập để thỏa niềm yêu thích.

Mới đây, từ quy mô hoạt động tự phát, các chị em còn mạnh dạn đề xuất và được UBND xã đồng ý cho thành lập CLB hát Sán Cố, tạo môi trường thuận lợi, chuyên nghiệp hơn để các chị em trong toàn xã cùng tham gia sinh hoạt, chung tay bảo tồn, phát triển nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Dao Thanh Phán, đồng thời còn tạo điểm nhấn để đẩy mạnh phát triển du lịch bản địa trong thời gian tới.

Nâng cao đời sống văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số  - ảnh 2
Thi gói bánh cốc mò tại Ngày hội Văn hóa dân tộc Sán Chay huyện Ba Chẽ lần thứ nhất năm 2022. Ảnh: Dương Phượng Đại

Chị Lỷ Pắc Kứu, Chủ nhiệm CLB hát Sán Cố xã Quảng An, huyện Đầm Hà chia sẻ: Khi mới bắt đầu, chị em còn ngại ngần vì chưa thuộc được nhiều ca khúc, động tác trình diễn còn cứng. Nhưng dần qua từng buổi, mọi người cùng nhau khắc phục nên lời ca tiếng hát cũng được chau chuốt, mượt mà hơn. Các chị em cũng dần tự tin, hăng hái trong các buổi sinh hoạt, số lượng người tham gia cũng ngày càng đông, chất lượng các tiết mục cũng ngày càng nâng cao.

Tại Quảng Ninh, phong trào “Mỗi phụ nữ lựa chọn một hình thức văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao quần chúng phù hợp để rèn luyện sức khỏe” đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi, đáp ứng nguyện vọng và thu hút ngày càng nhiều phụ nữ, tạo thành nếp sống văn hóa lành mạnh ở cộng đồng dân cư.

Từ phong trào này, ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng núi, đã xuất hiện nhiều mô hình CLB văn hóa, văn nghệ dân gian để kết nối, trao truyền truyền thống giữa các thế hệ. Các CLB sinh hoạt thể dục thể thao vui khỏe cũng được thành lập, để chị em rèn luyện, sống vui, sống khỏe. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 1.300 mô hình, câu lạc bộ với 19 tên gọi khác nhau, thu hút khoảng 40.000 thành viên tham gia, trong đó có nhiều CLB, mô hình lĩnh vực văn hóa. 

Tin cùng chuyên mục

Tăng hàm lượng chất xám vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Tăng hàm lượng chất xám vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

(PNTĐ) - Cần có chính sách đầu tư mạnh cho nghiên cứu khoa học- công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là những yêu cầu cấp thiết đặt ra trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang gõ cửa từng nhà. Làm thế nào để khơi thông nội lực, phát triển công nghệ đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là đối với doanh nghiệp do nữ làm chủ. Đây cũng chính là nội dung tọa đàm “Phụ nữ Thủ đô ứng dụng công nghệ - đổi mới sáng tạo” do Hội LHPN Hà Nội tổ chức sáng ngày 18/5, trong khuôn khổ “Ngày hội Phụ nữ Thủ đô ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo” đang diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
19h30 tối nay, khai mạc Ngày Phụ nữ Thủ đô ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo năm 2024

19h30 tối nay, khai mạc Ngày Phụ nữ Thủ đô ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo năm 2024

(PNTĐ) - 19h30 tối 17/5/2024, tại khu vực Quần thể Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hồ Văn - Khu Di tích Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội), Hội LHPN Hà Nội sẽ khai mạc Ngày phụ nữ Thủ đô ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo năm 2024. Đây là một trong những hoạt động của Đề án “Phát huy vai trò của phụ nữ Thủ đô xây dựng thành phố hòa bình, sáng tạo giai đoạn 2023-2026” đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt và là hoạt động ý nghĩa của Phụ nữ Thủ đô hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Cụm thi đua số 4 – Bộ Công an: Tuyên truyền pháp luật và tặng quà gia đình chính sách tại Điện Biên

Cụm thi đua số 4 – Bộ Công an: Tuyên truyền pháp luật và tặng quà gia đình chính sách tại Điện Biên

(PNTĐ) - Ngày 17/5, Cụm thi đua số 4 – Bộ Công an (gồm các đơn vị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động) tổ chức chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tặng quà gia đình chính sách tại Điện Biên.