Tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 3/6, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Quy định phải tránh gây phiền hà cho người dân

Các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. 

Tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ  - ảnh 1
Quang cảnh kỳ họp

Dự thảo luật đã đề cập tương đối đầy đủ về những vấn đề có liên quan đến trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi được giao quản lý, bảo quản, vận chuyển, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Qua báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật của Bộ Công an cho thấy, trong tổng số 28.715 vụ sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng… thì có đến 25.378 vụ (chiếm 88,4%) đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án.

Riêng đối tượng sử dụng các loại dao gây án là 16.841/25.378 vụ (chiếm 66,4%), nhiều vụ đối tượng sử dụng dao nhọn, sắc có tính sát thương rất cao (dao bầu, dao phay, dao quắm…) giết người với tính chất rất manh động gây bức xúc, hoang mang trong dư luận xã hội.

Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) có quy định “dao có tính sát thương cao” có lưỡi dài từ 20cm trở lên thuộc nhóm vũ khí thô sơ và phải khai báo” – là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận. Các đại biểu băn khoăn quy định này và đề nghị cần cân nhắc xem xét để khi luật đi vào cuộc sống, tránh gây phiền hà cho người dân.

Tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ  - ảnh 2
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông)

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) cho rằng, trong bối cảnh phương thức hoạt động tội phạm ngày càng phát sinh nhiều khía cạnh mới, thì pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cần được hoàn thiện, không ngừng hướng đến tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Qua đó, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời, bảo đảm cân bằng, hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ  - ảnh 3
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định)

Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), quy định dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên hoặc có chiều dài lưỡi dao dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao… sẽ tăng tính răn đe đối với những đối tượng có tiền án, tiền sự thường xuyên gây rối trật tự công cộng, hành hung người khác. Các đối tượng không còn lợi dụng việc sử dụng dao để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, có hành vi đe dọa xâm hại cơ thể người khác.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, dao là công cụ dễ thấy xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày và vật dụng này rất dễ biến thành hung khí để gây án. Mặc dù vậy, nếu quy định dao là một loại vũ khí và xử lý đối tượng sở hữu dao theo hướng tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí thì có thể phát sinh nhiều bất cập và nảy sinh vấn đề mâu thuẫn giữa đời sống xã hội và pháp luật. Nếu liệt kê dao vào loại vũ khí thô sơ thì những hoạt động sinh hoạt thường ngày của người dân ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Do đó, để bảo đảm tính ổn định xã hội, đại biểu đề nghị cần tổ chức khảo sát, lấy ý kiến sâu hơn nữa của các tầng lớp nhân dân là đối tượng chịu sự tác động của các vi phạm pháp luật để đánh giá tính nghiêm trọng của các loại vật dụng gây nguy hiểm, từ đó đưa ra các quy định cụ thể và phù hợp với thực tiễn cuộc sống…

Tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ  - ảnh 4
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) 

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, người dân sử dụng trong sản xuất, sinh hoạt gọi là công cụ hỗ trợ. Các đối tượng tội phạm, manh động sử dụng thì gọi là hung khí. Không đồng tình việc “gom” dao dài 20cm có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ, do đó, đại biểu đề nghị, Dự thảo Luật cần giải thích rõ từ ngữ. 

Theo đại biểu, dao người dân đang sử dụng phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt mà gọi là vũ khí thô sơ thì đâu có được, bởi đây là công cụ của gia đình. Đối với những nhà sản xuất, kinh doanh thì nên khai báo. Gia đình sử dụng phục vụ sản xuất, sinh hoạt thì không nên khai báo. Bởi nếu khai báo là gây phiền hà cho người dân.

Tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ  - ảnh 5
Đại biểu Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang)

Đại biểu Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang) cho rằng, trước đây Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP, đưa 1 số loại phương tiện, dụng cụ thuộc hung khí nguy hiểm, trong đó có dao phay, các loại dao sắc, nhọn để làm tình tiết định tội hoặc tình tiết định khung hình phạt. Thực tế hiện nay có hiện tượng thanh thiếu niên tự hoán cải, tự chế thêm vào các loại dao này để sử dụng làm công cụ phạm tội, tuy nhiên, không xử lý được đối tượng phạm tội về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong Luật hiện hành không quy định dao là vũ khí.

“Việc bổ sung vào dự thảo việc dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ là cần thiết, đồng thời để tránh vướng mắc trong thực tế khi loại dao này được sử dụng với mục đích sinh hoạt nên quy định không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật là phù hợp, đảm bảo tính khả thi của dự thảo luận”, đại biểu Nguyễn Việt Hà bày tỏ.

Sớm hoàn chỉnh Dự thảo Luật được chặt chẽ, chất lượng hơn 

Tiếp thu giải trình cuối phiên họp, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ - Thứ trưởng Bộ Công an (điều hành hoạt động Bộ Công an) cảm ơn các ý kiến phát biểu. 

Tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ  - ảnh 6
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ - Thứ trưởng Bộ Công an 

Các đại biểu đã kiến nghị, đề xuất, đề nghị bổ sung, điều chỉnh một số nội dung, như: Tên gọi của Dự thảo Luật; quy định, khái niệm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; nội dung liên quan đến quy định khai báo vũ khí thô sơ; quy định về thủ tục cấp các loại giấy phép về vũ khí, vật liệu nổ…

Với những nội dung trên, ngay trong quá trình xây dựng, chỉnh lý, hoàn thiện, dự thảo luật đã được Chính phủ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan soạn thảo chủ trì với các cơ quan liên quan nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Cùng với đó, cơ quan soạn thảo cũng đánh giá về những tác động đa chiều một cách kỹ lưỡng, tạo cơ sở cho việc đề xuất nội dung, quy định trong Dự thảo Luật được đảm bảo về tính khả thi; đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng bộ thống nhất với hệ thống pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận hôm nay rất tâm huyết, cơ quan soạn thảo sẽ lựa chọn tối đa và nghiêm túc tiếp thu những ý kiến hợp lý để khẩn trương tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo việc sớm hoàn chỉnh Dự thảo Luật được chặt chẽ, chất lượng hơn và đảm bảo về tính khả thi hơn trước khi trình Quốc hội thông qua.

Tin cùng chuyên mục

Bảo tồn và phát triển kinh tế từ các sản phẩm mít ngon

Bảo tồn và phát triển kinh tế từ các sản phẩm mít ngon

(PNTĐ) - Cây mít từ lâu đã gắn bó với hình ảnh ảnh miền quê Bắc Bộ “nhà ngói cây mít”, rất thân thuộc với mỗi người dân ở làng quê. Trái mít dai, mít na… là những giống mít bản địa cho quả chất lượng ngon, năng suất cao, đang được thành phố Hà Nội đưa vào diện bảo tồn, phát triển nguồn gen quý và tiến tới phát triển sản phẩm từ trồng đến tiêu thụ trên thị trường.
Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Chiều ngày 26/7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội); Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và tại quê nhà Nhà Văn hóa, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.