Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh): Chính sách y tế còn mang tính chắp vá

Chia sẻ

Thảo luận về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, chính sách y tế của chúng ta còn chắp vá, thường xuyên thay đổi về tổ chức. Bởi vậy, cần phải có một chính sách y tế xuyên suốt, một chủ trương quan điểm từ Chính phủ và chỉ đạo cho Bộ Y tế để có những chính sách cụ thể.

Tham gia đại biểu Quốc hội đến nay là khóa thứ 3, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết: "Tôi nhớ trong tất cả các khóa chỉ có 1 chỉ tiêu 30% ngân sách dành cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, nhưng số địa phương thực hiện được điều này vẫn còn đếm trên đầu ngón tay. Chưa kể 30% đó cũng không đáng kể gì nếu so với cái cần thiết, nhu cầu của người dân".

Đại biểu Phạm Khánh Phong LanĐại biểu Phạm Khánh Phong Lan

Từ điểm cầu TP Hồ Chí Minh, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan trao đổi về vấn đề nội dung làm sao cho công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả hơn trong thời gian sắp tới và khắc phục được những gì đã xảy ra.

"Riêng đối với đại dịch này, tôi nghĩ nguy cơ lớn nhất với người bệnh chính là bị chuyển sang trạng thái nặng và tử vong. Để thực sự sống chung với dịch và chủ động linh hoạt trong việc khống chế tỷ lệ nhiễm, giảm số ca chuyển nặng và tử vong, trong thời gian vừa qua, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh có không ít kinh nghiệm thực tế. Theo đó, phải xem lại về thực trạng y tế cơ sở, hệ thống y tế cơ sở, đây không phải lần đầu tiên nói về vấn đề y tế cơ sở.

Bản thân tôi tham gia đại biểu Quốc hội đến nay là khóa thứ ba và chúng tôi nhớ trong tất cả các khóa chỉ có 1 chỉ tiêu 30 % ngân sách dành cho y tế dự phòng, y tế cơ sở nhưng số địa phương thực hiện được điều này vẫn còn đếm trên đầu ngón tay, chưa kể 30 % đó cũng không đáng kể gì nếu so với cái cần thiết, nhu cầu của người dân. Chúng ta phải có phân bổ như thế nào để thật sự đáp ứng với quy mô dân cư chứ không phải chỉ trên vấn đề phân chia về địa lý” - bà Lan nêu rõ.

Bởi vậy, theo đại biểu Phong Lan, cần phải có một chính sách y tế xuyên suốt, một chủ trương quan điểm từ Chính phủ và chỉ đạo cho Bộ Y tế để có những chính sách cụ thể. "Chưa có giai đoạn nào như giai đoạn dịch bệnh vừa qua, Bộ Y tế rất vất vả, không chỉ làm nhiệm vụ chỉ đạo về pháp lý, hướng dẫn cho các địa phương mà thực sự Bộ Y tế cũng đã vào cuộc. Nhưng nếu chúng ta không giải quyết được những vấn đề thuộc về căn cơ thì chắc chắn chúng ta sẽ tiếp tục bị động".

Về vấn đề y tế cơ sở, đại biểu cho rằng, không phải chỉ có vấn đề về tiền mà còn vấn đề về nhân lực: Làm sao để thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao, có những hiểu biết đủ để có thể là hoạt động cho tốt. Chính sách y tế của chúng ta còn chắp vá, thường xuyên thay đổi về tổ chức. Ví dụ khoảng năm 2006-2007, từ các trung tâm y tế của các quận huyện, chúng ta chia ra thành bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng và phòng y tế, tức “đã yếu mà còn chia ra”.

Còn hiện nay, ngay cả tại TP. Hồ Chí Minh, theo chỉ đạo thì tất cả trung tâm y tế dự phòng và các bệnh viện thuộc quận, huyện lại trực thuộc Sở Y tế. Như vậy, UBND của các địa phương sẽ rất khó khăn trong việc điều phối lực lượng và thực sự đơn vị phụ trách công tác y tế ở địa phương chính là phòng y tế, trong khi phòng y tế chỉ làm chức năng quản lý Nhà nước.

Về vấn đề hệ thống điều trị, đây cũng là dịp thực hiện phép thử để chúng ta nhìn lại năng lực điều trị thực sự hiện tại như thế nào. Thực tế cho thấy, chúng ta chỉ tập trung vào phòng, chống dịch Covid-19, nhưng còn các bệnh khác nữa cần được điều trị.

Về ngân sách, “Chúng ta cho rằng điều trị Covid-19 đã có ngân sách Nhà nước lo, nhưng phân công giữa ngân sách và bảo hiểm chưa rõ ràng. Vì vậy, bệnh viện rất khó khăn trong việc thanh toán. Như vấn đề xét nghiệm, nếu như chúng ta phân công rạch ròi trong sự tham gia của bảo hiểm, cùng cơ chế đấu thầu chặt chẽ thì chắc hẳn không có tình trạng loạn giá xét nghiệm xảy ra. Đồng thời, chúng ta đã thiếu, yếu nhưng đôi khi lại bỏ quên lực lượng y tế tư nhân, hệ thống y tế tư nhân, chưa được huy động kịp thời, chưa có được những cơ chế để tham gia phòng chống dịch.

Điều quan trọng nữa là việc thay đổi về mặt quan điểm, tất cả những gì chúng ta phải trả giá trong thời gian vừa qua chính là hệ quả để lại khi mà hệ thống y tế chưa đủ mạnh. Bên cạnh lỗi chủ quan của mỗi người còn có lỗi của chủ trương, chính sách, chúng ta có thật sự ưu tiên cho y tế. Phải tạo điều kiện cho các nhân viên y tế, đặc biệt cho các cán bộ quản lý có cơ hội, môi trường để phát triển về y đức chứ không phải là sau đó lúc xảy ra chuyện thì chúng ta sử dụng các biện pháp hành chính và các thủ tục tố tụng hình sự" - đại biểu Phong Lan cho hay.

THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục